3 gạch đầu dòng khi dùng kính áp tròng – Dùng sao cho đúng để mắt đẹp và khỏe?

1. Khi cần trang điểm, hãy đeo kính áp tròng trước đã

 

Ưu điểm cực lớn của kính áp tròng là giúp bạn có thể thoải mái trang điểm cho khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt y như khi không bị cận. Tuy nhiên nguyên tắc cực kỳ quan trọng cần ghi nhớ mỗi lần bạn muốn “tô son trát phấn” là hãy đeo kính áp tròng trước rồi muốn tô vẽ gì thì để sau. Phải thực hiện việc này trước cả khi thoa phấn nền chứ không chỉ là phần trang điểm mắt.

 

Có hai lý do cho điều này. Thứ nhất, nếu đeo kính áp tròng sau khi đã trang điểm xong bạn sẽ dễ làm lem, hỏng những đường kẻ mắt hoặc phấn. Nhưng lý do thứ hai mới thực sự ảnh hưởng đến sức khỏe đôi mắt chứ không chỉ vì thẩm mỹ, đó là các hạt bụi phấn hoặc mascara có thể rơi vãi vào mắt trong lúc bạn loay hoay đeo kính áp tròng. Chẳng ai muốn cảm giác khó chịu khi có các “vật thể lạ” này ở trong mắt mình đâu nhỉ? Thậm chí nếu không được lấy ra chúng còn có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm cho “cửa sổ tâm hồn” của bạn nữa đấy.

 

Vậy lần tới trước khi mở hộp trang điểm mắt hãy luôn nhớ đeo cặp kính áp tròng vào trước đã nhé, vì một đôi mắt khỏe đẹp!

 

2. Đừng bao giờ dùng chung kính áp tròng với người khác

 

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thực tế vẫn có một số người vì lý do nào đó hay đi mượn hoặc cho người khác mượn kính áp tròng của mình, đặc biệt là người thân trong nhà. Việc dùng chung như vậy rõ ràng đã tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác. Kể cả khi bạn đã rửa kính thật sạch cũng đâu thể chắc chắn đánh bay hết 100% mầm bệnh còn sót lại đúng không?

 

Một lý do nữa mà bạn không nên dùng chung kính với người khác là kính áp tròng được chế tạo phù hợp với kích thước nhãn cầu và độ cong giác mạc đặc trưng riêng cho từng người. Đeo kính không đúng cấu tạo của mắt sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu, mắt bị kích ứng và thậm chí có thể bị trầy xước, tổn thương giác mạc dẫn đến nhiễm trùng nguy hiểm.

 

Do đó bạn chỉ nên dùng kính của riêng mình, đừng bao giờ mượn của người khác hay cho người khác mượn kể cả người thân nhé!

 

3. Sử dụng dung dịch ngâm kính đúng cách

 

Nếu đang sử dụng kính áp tròng thì bạn cũng đã quá quen với việc bảo quản chúng trong dung dịch ngâm chuyên dụng rồi đúng không? Đó là các chất lỏng được sản xuất theo quy trình đặc biệt để loại bỏ các vi sinh vật gây hại có thể bám trên kính áp tròng, đảm bảo đôi mắt của chúng ta luôn được an toàn tuyệt đối khi tiếp xúc với kính.

 

Để dung dịch ngâm kính phát huy được hết tác dụng bảo vệ của nó, chúng ta cần biết cách sử dụng hợp lý. Có nhiều loại dung dịch khác nhau với thành phần từ bình dân đến cao cấp, thích hợp với các loại kính và cơ địa riêng của mỗi người. Do đó cũng giống như khi dùng kính, tuyệt đối đừng bao giờ dùng chung dung dịch ngâm kính với người khác bạn nhé.

 

Lưu ý thứ hai là nước muối hay nước nhỏ mắt không thể thay thế được dung dịch ngâm kính. Nhiều người có thói quen “dùng đại” nước muối để ngâm kính khi chưa kịp mua dung dịch mới. Việc làm này tưởng là tiện lợi nhưng thực ra cực kỳ tai hại, có thể mang mầm bệnh vào nhiễm cho đôi mắt của bạn.

 

Nước muối hoặc nước nhỏ mắt thông thường chỉ có tác dụng sát khuẩn nhẹ cho các bề mặt ít nhiễm khuẩn hoặc da, nhưng đôi mắt lại là cơ quan cực kỳ nhạy cảm và dễ bị tổn thương, do đó nước muối không phải là giải pháp đảm bảo an toàn đâu nhé. Đó là chưa kể khi pha nước muối bạn có thể đã đưa thêm vi khuẩn từ môi trường bên ngoài vào nước, làm tăng thêm nguy cơ cho mắt mình khi đeo kính được ngâm trong “dung dịch” đó.

 

Còn loại nước nhỏ mắt chuyên dụng khi đeo kính áp tròng cũng chỉ có thể coi là giải pháp tình thế trong thời gian ngắn, nhưng về lâu dài chúng cũng không hiệu quả và không thể giữ vệ sinh cho đôi kính thân yêu của bạn đâu.

 

Vậy tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn dung dịch ngâm kính phù hợp với mình và đừng bao giờ dùng những loại nước khác không đảm bảo vệ sinh nhé, nhớ tìm hiểu kỹ và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

>>> Xem thêm >>> ĐEO KÍNH ÁP TRÒNG CẦN TRÁNH 4 ĐIỀU NÀY

 

 

 

 

Thiết kế web bởi Thiết kế web bởi NHANH.VN